AI phát hiện thiên hà cách xa 430 triệu năm ánh sáng

Viện Khoa học Tự nhiên Quốc gia Nhật Bản (NINS) hôm 3/8 công bố phát hiện một thiên hà có nồng độ oxy rất thấp trong chòm sao Vũ Tiên.

Khám phá được thực hiện bằng cách kết hợp dữ liệu lớn từ kính viễn vọng Subaru đặt tại Hawaii và công nghệ học máy (machine learning) - một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo cho phép các hệ thống tự động học hỏi và cải thiện hiệu suất theo thời gian.


Thiên hà mới được đặt tên là HSC J1631 + 4426.

Thiên hà mới được đặt tên là HSC J1631 + 4426 nằm cách Trái đất khoảng 430 triệu năm ánh sáng. Với mức độ phong phú oxy chỉ bằng 1,6% so với Mặt trời, HSC J1631 + 4426 đã phá vỡ kỷ lục về thiên hà có nồng độ oxy thấp nhất từng được báo cáo. Mức độ phong phú oxy thấp cho thấy hầu hết các ngôi sao trong thiên hà này hình thành rất gần đây, hay nói cách khác, nó đang trải qua giai đoạn đầu của quá trình tiến hóa.

"Khối lượng sao của HSC J1631 + 4426 cũng rất nhỏ, chỉ bằng 0,00001 lần dải Ngân Hà. Điều này củng cố thêm về tính non trẻ của thiên hà", Giáo sư Ouchi tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia và Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết.

Hầu hết các thiên hà trong vũ trụ hiện tại đều là các thiên hà "trưởng thành". Phát hiện mới bởi vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ.

Do các thiên hà trong giai đoạn đầu hình thành đặc biệt hiếm, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Takashi Kojima từ NINS dẫn đầu đã sử dụng dữ liệu hình ảnh trường rộng - bao gồm 40 triệu vật thể - được chụp bởi kính viễn vọng Subaru. Họ phát triển một phương pháp tìm kiếm dựa trên học máy, cho phép máy tính tự động quét kho dữ liệu khổng lồ và chỉ ra những thiên hà "non trẻ" dựa trên màu sắc.

Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal.


Thiên hà mới được phát hiện trong dữ liệu hình ảnh trường rộng. (Video: Subaru Telescope NAOJ).

Theo VnExpress