Các nhà khảo cổ làm gì khi phát hiện ra xác ướp bò rừng 36.000 năm tuổi?

Bạn tin được không khi một loạt sự kiện lạ lùng diễn ra với con bò rừng từng sinh sống trên thảo nguyên Bắc Mỹ cách đây 36.000 năm!

Vụ phát hiện tình cờ: muốn tìm vàng lại gặp... xác ướp

Một trong những sự kiện được quan tâm nhất Bắc Mỹ vào cuối những năm 1890 là Cơn sốt vàng Klondike. Ước tính hơn 100.000 người đã tranh nhau đến vùng Alaska và phía tây bắc Canada tìm vàng. Một số người trở nên giàu có, phần lớn trắng tay ra về.


Trên đường đến vùng Klondike tìm vàng.

Đến năm 1976, cơn sốt vàng đã hạ nhiệt hoàn toàn. Thế nhưng, gia đình Rumans lại tìm thấy một thứ khác, to lớn và gây sửng sốt hơn nhiều! Đó là xác ướp của một con bò rừng bison đực được "ủ đông" tự nhiên. Vị trí phát hiện nằm gần thành phố Fairbanks, bang Alaska.

Họ đặt tên cho nó là Blue Babe, bắt nguồn từ thần thoại Mỹ về con bò "Babe the Blue Ox" – thú nuôi của một chàng tiều phu khổng lồ.


Dưới lớp băng là lớp bùn phủ lên xác con bò rừng Blue Babe.

Gia đình Rumans vô cùng sốc nên quyết định phải liên lạc ngay với Dale Guthrie - giáo sư khảo cổ học từ ĐH Alaska. Phải mất 3 năm để nhóm nghiên cứu của giáo sư Dale phá băng và khai quật thành công xác bò rừng to lớn.

Mãi đến lúc đó, họ mới nhận ra mình đang chứng kiến 1 trong những mẫu vật hoàn hảo nhất của loài bò rừng bison từng được tìm thấy.

Thông qua phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu xác định con bò rừng này chết cách đây đã... 36.000 năm!

Có nhiều vết thương trên cổ và lưng, rất có thể là vết cắn mạnh kinh hồn của sư tử Mỹ. Đây là một nhánh sư tử đã tuyệt chủng vào kỷ băng hà và cũng là tổ tiên của sư tử châu Phi ngày nay.


Những vết cắn kinh khủng, có thể là của sư tử trên phần đầu của Blue Babe.

Vụ đụng độ diễn ra vào mùa đông và con bò rừng dường như trốn thoát, nhưng nó lại chết cóng vì trời lạnh thấu xương. Nhiệt độ xuống thấp cũng khiến vết thương không "ăn" hết cơ thể.

Rồi trải qua hàng chục ngàn năm, nhiều lớp băng tuyết dày bao phủ lên xác ướp khiến nó... đánh một giấc thật dài, cho đến khi được khai quật vào năm 1979.

Biết rằng, cá thể được tìm thấy thuộc loài bò rừng thảo nguyên (tên khoa học: Bison priscus). Nó sinh sống vào thời kỳ băng hà cuối cùng (cách đây 110.000 - 10.000 năm) ở châu Âu, Trung Á và Bắc Mỹ. Bò rừng bison có kích thước vào hàng to lớn nhất trên cạn cùng với voi ma-mút, sư tử, hổ răng kiếm...


Bò rừng Bắc Mỹ (Bison bison) hiện nay là con ngoài cùng bên phải, nhỏ hơn so với mẫu vật Blue Babe (loài Bison pricus, hình giữa).

Bò rừng Bison pricus đã tuyệt chủng cách đây 8.000 năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số loài "bà con" của nó tồn tại đến nay, bao gồm bò bison châu Mỹ (tên khoa học: Bison bison). Chủng bò này bé hơn nhưng vẫn cao đến... 2,8m và nặng trung bình hơn 600kg.

Và họ đã làm gì với xác ướp bò rừng?

Xác ướp được khai quật vào tháng 7, giữa mùa hè. Ngay khi ra khỏi mặt băng, nó liền có dấu hiệu phân hủy. Nhóm nghiên cứu rất lo sợ mẫu vật không thể dùng cho nghiên cứu về bò rừng bison sau này. Vì vậy, họ quyết định phải lấy thịt, máu, tủy của xác ướp tách riêng; nhằm bảo tồn phần còn lại vĩnh viễn ở Bảo tàng Alaska.


Dale Guthrie xử lý mẫu vật Blue Babe, ngăn nó không phân hủy.

May thay, nhóm nghiên cứu đã thành công nhờ sự giúp sức của chuyên gia nhồi xác động vật Eirik Granqvist đến từ ĐH Helsinki, Phần Lan. Đến giữa năm 1894, xác ướp bò rừng bison đã qua xử lý được mang đi trưng bày.

Và bạn biết gì không? Trước đó, nhóm nghiên cứu vẫn còn giữ lại một ít thịt bò rừng "đông lạnh".

Chẳng biết vì tò mò hay mục đích khoa học (giới nghiên cứu cũng thường ăn thịt mẫu vật để phát hiện những thứ không thể nhận ra theo cách thông thường), nhóm của Dale quyết định hầm 1 phần thịt nhỏ ở cổ của con bò rừng bison 36.000 năm tuổi!!!

Sau đó ư? Tất cả họ đều sống khỏe để kể cho chúng ta biết món thịt ấy có vị như thế nào. "Nó dai nhưng vẫn ăn được và rõ vị thịt bò. Không ai trong chúng tôi nôn chớ hay gặp vấn đề gì về sau", Dale Guthrie cho biết.

Đến nay, mẫu vật bò rừng bison Blue Babe vẫn nằm oai vệ tại Museum of the North (Bảo tàng miền Bắc) thuộc ĐH Alaska.

Theo helino