Cảnh báo bùng phát dịch bệnh có thể khiến 70 triệu người tử vong ở châu Phi

Các nhà khoa học tỏ ra vô cùng lo ngại về căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân trên khắp châu Phi.

Bệnh ngủ, hay còn gọi là bệnh Trypanosomiasis ở người (HAT), đã xuất hiện ở khu vực châu Phi cận Sahara kể từ thế kỷ 19. Căn bệnh do ký sinh trùng từ ruồi xê xê gây ra tấn công vào hệ thần kinh trung ương, đây là dịch bệnh đặc hữu ở 36 quốc gia. Nhiễm HAT có hai dạng tùy thuộc vào loại ký sinh trùng cụ thể, và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này có thể gây tử vong nếu không được điều trị.


Các nhà khoa học đã tạo ra một bước đột phá trong việc nghiên cứu về bệnh ngủ. (Ảnh: Getty)

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết: "Chứng bệnh HAT đang đe dọa hàng triệu người ở 36 quốc gia châu Phi cận Sahara. Người mắc bệnh thường sống ở các vùng nông thôn hẻo lánh, ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế đầy đủ, điều này làm phức tạp quá trình giám sát, chẩn đoán cũng như điều trị các ca bệnh. Ngoài ra, việc di dời dân cư, chiến tranh và nghèo đói cũng là những yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho sự lây truyền".

Hai dạng HAT do hai loài ký sinh trùng thuộc giống Trypanosoma gây ra. Trypanosoma brucei gambiense được tìm thấy tại 24 quốc gia tây và trung Phi, trong khi Trypanosoma brucei rhodesiense được tìm thấy ở 13 quốc gia đông và nam châu Phi. Người ta ước tính căn bệnh này có thể giết chết khoảng 70 triệu người ở châu Phi cận Sahara và được đánh giá là một "đại dịch".

Nghiên cứu mới được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow đã phân tích cách thức phát triển của bệnh, điều này có thể giúp các quan chức y tế chẩn đoán và điều trị tốt hơn căn bệnh ở hai giai đoạn (sớm và muộn). Sử dụng chuột thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một loạt các gen vật chủ kiểm soát sự phát triển của bệnh trong hệ thần kinh trung ương được kích hoạt sớm hơn so với suy nghĩ - thậm chí còn sớm hơn cả dấu hiệu thần kinh của căn bệnh này.


Căn bệnh này chủ yếu được lây lan bởi ruồi xê xê mang một trong hai ký sinh trùng. (Ảnh: Getty)

Các phát hiện được công bố trên tạp chí PLOS "Các bệnh nhiệt đới bị lãng quên", giải thích tại sao các triệu chứng thần kinh xuất hiện sớm, từ đó hiểu được bằng cách nào ký sinh trùng lại có thể xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương nhanh chóng như vậy sau khi nhiễm bệnh.

Giáo sư Peter Kennedy CBE tại Đại học Glasgow cho biết: "Công trình của chúng tôi cung cấp những hiểu biết quan trọng về căn bệnh này, để từ đó chúng ta có những cái nhìn rõ nét hơn về việc điều trị bệnh nhân".

Căn bệnh này chủ yếu lây truyền qua vết đốt của ruồi xê xê, mặc dù vật trung gian truyền bệnh rất đa dạng. Ví dụ, lây nhiễm từ mẹ sang con có thể xảy ra khi trypanosome đi vào nhau thai và lây nhiễm sang thai nhi. Không chỉ vậy, WHO tuyên bố quan hệ tình dục cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, được gọi là giai đoạn bạch huyết, nạn nhân bị sốt, nhức đầu, đau khớp, ngứa và sưng hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này, điều trị khá dễ dàng vì nó tương đối không nguy hiểm. Ở giai đoạn sau, giai đoạn bệnh não, bệnh trở nên độc hơn và khó điều trị hơn rất nhiều. Cho đến nay, người ta tin rằng giai đoạn thứ hai xảy ra khi ký sinh trùng vượt qua hàng rào máu não để xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy căn bệnh có thể gây ra các vấn đề về thần kinh ngay từ giai đoạn đầu.

Theo WHO, bệnh tiến triển đến đâu phụ thuộc vào mức độ nhất định của các tế bào bạch cầu trong dịch não tủy - chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống. Bên cạnh đó, cũng đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhân dường như không có hoặc có rất ít bạch cầu trong dịch não tủy, mặc dù đã biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn muộn.

Theo Dân Việt