Công bố hóa thạch 70 triệu năm tuổi của cá xương khổng lồ

Các nhà cổ sinh vật học hôm 6/7 công bố phát hiện bộ xương hóa thạch của một con cá săn mồi dài 6m sống cùng thời khủng long.

Mẫu vật được xác định thuộc chi Xiphactinus, một nhóm cá xương lớn có thể phát triển tới kích thước tương đương cá mập trắng ngày nay. Chúng đã bơi ở vùng biển Patagonia vào cuối kỷ Phấn Trắng, khi nhiệt độ ở đó ôn hòa hơn nhiều so với bây giờ.


Một hóa thạch cá xương hoàn chỉnh, tương tự loài được tìm thấy ở Argentina.

"Phần còn lại của con vật khổng lồ được khai quật gần hồ Colhue Huapia, cách thủ đô Buenos Aires của Argentina khoảng 1.400km về phía nam. Nó có vẻ ngoài trông rất đáng sợ với cơ thể mảnh khảnh và một cái đầu lớn chứa những chiếc răng sắc nhọn dài vài centimet", Julieta de Pasqua, một thành viên trong nhóm nghiên cứu mô tả.

Hóa thạch của loài cá này đã được tìm thấy tại nhiều nơi trên thế giới, một số thậm chí được bảo quản bên trong bụng mẹ. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở bắc bán cầu. Đây là mẫu vật Xiphactinus đầu tiên được phát hiện ở bán cầu nam.

Lưu vực hồ Patagonia ở Argentina là một trong những điểm nóng hóa thạch quan trọng nhất trên thế giới, với rất nhiều bộ xương bò sát và cá tiền sử vẫn còn được bảo quản tốt.

Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Alcheringa: An Australasian Journal of Palaeontology hôm thứ Hai. Công trình được thực hiện bởi Đại học Quốc gia La Matanza, Phòng thí nghiệm Giải phẫu của Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina, Hội đồng Nghiên cứu Nhà nước Conicet và Quỹ Azara.

Theo VnExpress