Đây sẽ là một cơn say kéo dài 20 tiếng, nếu bạn uống tới 15 chén rượu 40 độ

Những phân tử rượu đầu tiên chỉ mất 90 giây để đi qua hệ tuần hoàn của bạn. Và những phân tử cuối cùng sẽ không chịu rời khỏi cơ thể bạn sau tận 90 ngày.

Nếu đã từng ít nhất một lần say rượu, bạn sẽ biết được những cảm giác khó chịu mà nó gây ra. Từ chóng mặt, buồn nôn cho tới chỗ nằm bẹp cả nửa ngày mà vẫn không tỉnh táo lại được.

Đó là bởi rượu, bia và các đồ uống có cồn khác sẽ tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương. Chúng làm suy giảm tầm nhìn, chức năng nhận thức và khả năng phối hợp vận động của người uống.

Quá trình này diễn ra một cách rất tinh tế, đến nỗi nhiều người sẽ không thể nhận ra khi nào mình bắt đầu say và sẽ say trong bao lâu. Hậu quả là họ sẽ tự đặt mình vào nguy cơ tự làm hại bản thân, gây tai nạn giao thông và ảnh hưởng cả tới những người xung quanh.

Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn về những gì có thể xảy ra, sau khi bạn uống khoảng 15 chén rượu 40 độ. Đó là một cơn say điển hình và có thể kéo dài tới 20 tiếng đồng hồ.


Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác sẽ tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương khiến bạn có triệu chứng say xỉn. (Ảnh: iStock).

Những phân tử rượu đầu tiên chỉ mất 90 giây để đi khắp cơ thể bạn

Điều đầu tiên bạn cần biết là rượu không được tiêu hóa như thức ăn. Chỉ sau ngụm đầu tiên, một lượng nhỏ của rượu đã được hấp thụ vào máu bạn thông qua lưỡi và niêm mạc miệng. Hệ tuần hoàn mất thêm khoảng 90 giây để đưa những giọt rượu này chạy khắp cơ thể.

Sau đó, phần lớn rượu còn lại trôi xuống bụng của bạn, nơi chúng tiếp tục thấm qua mô dạy dày và ruột non để đi vào máu. Tùy thuộc vào giới tính, thành phần cơ thể, sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày và khả năng sản xuất men khử rượu ở gan, tác động của rượu sau đó sẽ diễn ra nhanh hay chậm.

Ví dụ, uống rượu khi bụng rỗng sẽ khiến rượu hấp thụ vào máu nhanh hơn. Ngược lại, khi có thức ăn chiếm chỗ dạ dày, nó sẽ ngăn rượu đi trực tiếp vào ruột non. Diện tích bề mặt ruột non rất lớn (nếu trải các bề mặt niêm mạc rộng ra, ruột non sẽ có kích thước bằng cả một sân tennis), do đó nó sẽ hấp thụ rượu rất nhanh.

Nếu có thức ăn chặn ở phần cuối dạ dày (tá tràng), rượu sẽ bị cô lập tại đó và hấp thụ chậm hơn.

Nhưng Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, trung bình, các hiệu ứng đầu tiên do rượu gây ra trên cơ thể sẽ bắt đầu từ khoảng 10 phút sau chén rượu đầu tiên. Sau đó, sẽ mất khoảng 15-45 phút để các hiệu ứng này trở nên rõ rệt và thống trị toàn bộ tâm lý cũng như hành vi của người uống.

Càng uống nhiều, cơ thể bạn sẽ càng hấp thụ nhiều rượu và gây ra các triệu chứng thần kinh nặng. Đó là bởi rượu có thể ở trong máu của bạn tới hơn 12 tiếng đồng hồ. Nó có thể được phát hiện trong hơi thở sau 24 tiếng.

Sau 1-5 ngày, xét nghiệm nước bọt vẫn có thể phát hiện rượu. Và ở một nơi không tưởng, lông và tóc của bạn có thể lưu trữ những phân tử cồn mà bạn nạp vào cơ thể, từ bữa nhậu cách đó 90 ngày.


Rượu có thể tồn tại trong hơi thở của bạn 24 tiếng, trong nước tiểu và máu 12 tiếng, trong nước bọt 5 ngày và trong tóc 90 ngày. (Ảnh: Verywell).

Tính toán mức độ say cho bạn

Các nhà khoa học đã thực hiện các thí nghiệm quan sát những người uống rượu, trích xuất máu của họ và đo nồng độ cồn (BAC) để thống kê mức độ mà rượu bia ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể chúng ta.

BAC tính bằng khối lượng cồn (gam) có trong mỗi 100 ml máu. Các ước tính khoa học cho thấy BAC của chúng ta sẽ tăng từ 0.01-0.03 đơn vị sau mỗi một đơn vị cồn mà bạn uống vào.

Theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1 đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (nồng độ %) x khối lượng riêng (cồn có khối lượng riêng là 0,793g/cm3). 1 đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất.

Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương 1 chén rượu 30ml loại rượu nặng 40 độ, 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc một cốc bia hơi 330ml (5%):


Điều đó có nghĩa là mỗi một chén rượu 30ml loại 40 độ có thể làm tăng trung bình 0.02 đơn vị BAC.

Ở chiều ngược lại, rượu được cơ thể chúng ta phân giải ở tốc độ trung bình 0.015 g/100mL/giờ, tương đương với việc giảm mức BAC của bạn xuống 0.015 sau mỗi tiếng đồng hồ.

Dựa trên những tính toán này, chúng ta có thể thiết lập được một bảng tham khảo, cho một cơn say điển hình của một người đã uống khoảng 15 chén rượu nặng. Tiến trình cơn say đó sẽ diễn ra trong vòng 20 tiếng đồng hồ như sau:

Lời khuyên dành cho bạn

Như bạn đã thấy, một cơn say điển hình có thể kéo dài tới 20 tiếng đồng hồ. Nó đặt bạn vào nguy cơ cao gặp tai nạn giao thông, tự làm hại bản thân và những người xung quanh mình. Năng suất làm việc của bạn cũng bị suy giảm trong suốt ngày làm việc hôm sau.

Đó là chưa kể các tác hại dài hạn mà bia rượu ảnh hưởng tới cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra tiêu thụ rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch, bệnh gan, bệnh đường tiêu hóa, ảnh hưởng thần kinh và làm tăng nguy cơ tử vong sớm.

Trong một bữa tiệc, để giữ không khí vui vẻ, lành mạnh, bạn không nên uống quá 3 đơn vị cồn, có nghĩa là chỉ nên dừng lại ở chén rượu hoặc cốc bia thứ ba. Ở mức độ này (0.05 BAC), rượu sẽ là một chất dẫn khiến mọi người trở nên hướng ngoại và trò chuyện nhiều hơn.

Mặc dù đã uống rượu bia thì bạn vẫn không được phép tự lái xe về nhà. Nhưng uống ở mức độ đó sẽ đảm bảo cho cơ thể bạn có đủ thời gian phân giải rượu sau một đêm nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, bạn có thể thức dậy hoàn toàn tỉnh táo, có thể tự lái xe đi làm và giữ được cho mình một ngày hoạt động đủ năng suất.

TTVH