Ký sinh trùng ăn thịt hoành hành ở châu Mỹ

Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu có thể đẩy loài ký sinh trùng Leishmania từ Nam Mỹ lên phía bắc, lây bệnh cho hàng chục triệu người.

Leishmania sử dụng ruồi cát hút máu làm vật trung gian truyền nhiễm. Khi lây bệnh cho người, được gọi là bệnh Leishmaniasis, chúng có thể gây lở loét da và làm tổn thương nội tạng. Loài ký sinh trùng đơn bào ăn thịt này đã hoành hành ở Nam Mỹ và đang mở rộng lên phía bắc với một số ghi nhận ở bang Texas, Oklahoma và Florida.


Mô phỏng ký sinh trùng Leishmania gây lở loét da. (Ảnh: Health Issues India).

Các nhà nghiên cứu cảnh báo vào năm 2080, gần 27 triệu người ở Bắc Mỹ có thể nhiễm bệnh Leishmaniasis nếu những biện pháp chống biến đổi khí hậu không được thực hiện quyết liệt.

"Biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Có khả năng sẽ sớm có trường hợp người Mỹ đầu tiên nhiễm bệnh Leishmaniasis", Giáo sư sinh thái học Víctor Sánchez-Cordero tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico nhấn mạnh.

Ký sinh trùng Leishmania có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Âu nhưng đã được tìm thấy ở châu Á, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Các trường hợp phát sinh ở Mỹ đến nay đều là người nước ngoài đi du lịch.


Leishmania sử dụng ruồi cát làm vật trung gian truyền nhiễm. (Ảnh: LSTM).

Bệnh Leishmaniasis ở da thường tự lành mà không cần điều trị nhưng có thể mất nhiều năm và để lại sẹo. Thế giới vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc phòng ngừa cho người, tuy nhiên, có thể ngăn ngừa ruồi cát truyền bệnh bằng cách sử dụng màn khi ngủ, bình xịt hoặc vòng cổ tẩm thuốc diệt côn trùng.

Rất khó để xác định tỷ lệ mắc Leishmaniasis hiện nay do nhiều người nhiễm bệnh thầm lặng và không bao giờ phát triển các triệu chứng. Dạng bệnh ở da được cho là ảnh hưởng khoảng 700.000 - 1.200.000 người trên toàn cầu mỗi năm và dạng nội tạng ảnh hưởng đến 100.000 - 400.000 người hàng năm.

Theo VnExpress