Mắc kẹt trong nỗi sợ ‘chưa đủ tốt’: Bạn có đang quá khắt khe với bản thân mình?

Bạn có từng bị kiệt sức khi cố làm cho được những việc bạn nghĩ “nên làm”?

Bạn có thấy thật tệ mỗi khi so sánh mình với những người khác?

Bạn thường xử lý mọi việc trong sự căng thẳng và gấp gáp, như thể mọi thứ đều trong trạng thái “khẩn cấp” (dù thực tế, chỉ có một số việc thực sự khẩn cấp)?

Bạn có thấy tất cả những điều mình làm chẳng khi nào đủ tốt, đủ ấn tượng?

Đôi khi muốn nghỉ ngơi và mặc kệ tất cả, nhưng bạn không dám vì sợ bị người khác đánh giá?

Bạn ngại nhờ vả người khác giúp đỡ, vì cho rằng đó là biểu hiện của sự yếu đuối và không hoàn hảo. Bạn luôn nỗ lực một mình và tự mình làm tất cả?

Bạn có thường xuyên thấy trống rỗng, buồn bã?

Có phải bạn không tin rằng mình có thể đạt được thành tựu trong sự dễ dàng và vui vẻ?

Nếu đáp án của bạn là “Có” cho ít nhất 5 câu hỏi trên, bạn đang đối xử không công bằng với chính bản thân mình, dù có thể bạn chưa ý thức được điều đó.

Atelophobia là danh từ để chỉ những người mang cảm giác mình không đủ tốt, ám ảnh về sự “chưa hoàn hảo”. Từ này là một từ ghép tiếng Hy Lạp: tiền tố Atelo(s) mang nghĩa không hoàn hảo và hậu tố phobia là nỗi sợ. Với tính cách thường xuyên tự phê bình, mặc cảm về những khuyết điểm và luôn bị chi phối bởi những đánh giá xung quanh, những người Atelophobia dễ mắc các chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm. Tâm lý này được hình thành từ nỗi sợ sâu thẳm bên trong, ngăn ta chạm tay tới niềm vui và hạnh phúc đích thực.

Nỗi sợ đó có thể bắt nguồn từ ấu thơ, tạo nên bởi cách đối xử hà khắc của cha mẹ, người thân, hoặc thầy cô giáo,… tựu trung là những người có sức ảnh hưởng với ta khi ta còn nhỏ. Đó là những lời “ra điều kiện” như: “Con phải đạt được điểm 10 thì mẹ mới yêu”, “Con phải bơi giỏi hơn bạn A thì mới là con trai của bố”,… Tất cả như vô tình khắc ghi vào tâm trí một đứa trẻ rằng: mình phải đạt điều gì đó thì mới được yêu thương. Sự kỳ vọng quá cao của người thân đã dần khiến chúng ta lầm hiểu mình chưa đủ tốt, chưa xứng đáng được yêu thương vô điều kiện. Dần dần, ta vô thức trưởng thành với vỏ bọc mang tên “nỗ lực”, ẩn sâu bên trong là nỗi sợ “không được công nhận”.

Những nỗi sợ cũng tựa như loài sâu bọ, nếu cứ để chúng tồn tại lâu dài sẽ hủy hoại cả một khu vườn tươi đẹp bên trong ta. Bạn thân mến, ngay khi đọc được những dòng này, hãy nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu để dần xoa dịu tổn thương tiềm ẩn đó. Tin tôi đi, bạn đã luôn làm rất tốt trong khả năng và nguồn lực mà bạn có, bạn đã toàn vẹn ngay từ khi đến với cõi đời này và mang một sứ mệnh riêng biệt không giống ai. Bạn xứng đáng với tình yêu thương vô điều kiện.

Càng sống trên đời, ta càng cần học cách chấp nhận. Chấp nhận chính bản thân mình, chấp nhận rằng kết quả không phải lúc nào cũng như ý ta. Có rất nhiều thứ không thể chỉ thuận theo bản thân ta mà thành. Trong công việc hàng ngày, có những đầu việc ta đã cố gắng hết sức nhưng khi vận hành lại thấy chưa được như ý, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Quan trọng là chúng ta đã cố gắng hết sức mình, và thế là đủ. Và biết đâu, hoàn cảnh thất bại lại mở ra cho ta một cánh cửa mới rực rỡ hơn. Không cần phán xét sự thành công hay thất bại, bởi trên con đường dẫn đến thành công luôn tồn tại nhiều đá sỏi. Thay vì tập trung vào kết quả, hãy nhớ tặng bản thân lời động viên: “Mình vẫn đang cố gắng từng ngày đấy chứ!”.

Hãy cứ nói “có” với những gì mình muốn và nói “không” với những gì vượt quá giới hạn chấp nhận. Ta cần phải tách mình ra khỏi những chấp niệm và suy nghĩ lầm lạc đã bóp nghẹt ước mơ thuần khiết của mình. Giờ đây, hãy tạm dừng lại một chút để suy nghĩ xem, bạn đang sống vì định nghĩa hạnh phúc của mình hay vì định nghĩa hạnh phúc của những người khác?

Nếu muốn sống đẹp trong đời, trước tiên, hãy sống đẹp với chính bản thân mình.

Minh An

KhamPhaMai.com