Mảnh vỡ từ trạm ISS thắp sáng bầu trời California

Mảnh vỡ của thiết bị liên lạc bắn ra từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) di chuyển ở tốc độ 27.358km/h, tạo thành nhiều vệt sáng trên bầu trời phía bắc California.


Những mảnh vỡ bay qua bầu trời California hôm 17/3. (Ảnh: AP).

Các vệt sáng bay qua bầu trời đêm ở bang California hôm 17/3 là kết quả quá trình rơi trở lại khí quyển của mảnh rác vũ trụ bốc cháy. Mảnh vỡ của thiết bị liên lạc bắn ra từ trạm ISS vào tháng 2/2020 bay với tốc độ hơn 27.000km/h, theo Jonathan McDowell, nhà nghiên cứu ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard - Smithsonian. Quỹ đạo của thiết bị thu hẹp dần trong hai năm qua cho tới khi đủ thấp để vỡ ra và bốc cháy.

"Những gì bạn thấy là một số mảnh rất nhỏ giải phóng nhiều năng lượng ở độ cao rất lớn và di chuyển cực nhanh", McDowell giải thích.

Ăngten liên lạc đã qua sử dụng nặng 318kg có tên Inter-orbit Communication System-Exposed Facility bay vào không gian trên tàu con thoi năm 2009. Khoảng 10% thiết bị như vậy có thể rơi xuống Trái đất theo mảnh nhỏ thay vì nóng chảy, theo McDowell. Thiết bị hồi quyển theo cách mất kiểm soát, có nghĩa các chuyên gia không thể dự đoán chính xác vật thể sẽ đáp xuống đâu. McDowell dự đoán mảnh vỡ nhiều khả năng rơi quanh vườn quốc gia Yosemite. Ngược lại, địa điểm rơi của thiết bị hồi quyển có kiểm soát có thể được khoanh vùng thông qua sử dụng động cơ tên lửa.

Thiết bị lớn cỡ ăngten rơi hôm 17/3 cứ cách vài tuần lại bay qua khí quyển Trái đất. Quá trình không xảy ra thường xuyên ở một nơi cố định nên luôn mới mẻ với những người trông thấy.

Trên mạng xã hội, nhà máy bia King Cong Brewing ở Sacramento chia sẻ video ghi lại cảnh tượng. Mảnh vỡ rơi xuống bầu trời đêm tạo thành màn trình diễn ánh sáng thu hút nhiều người quan sát, theo Moriba Jah, phó giáo sư kỹ thuật hàng không và cơ khí ở Đại học Texas, Austin. Nhưng khi thiết bị bốc cháy, nó có thể gây ô nhiễm tầng thượng quyển. Khi rơi xuống bề mặt Trái đất, thiết bị cũng làm ô nhiễm đại dương và đất đai, thậm chí gây thương tích cho con người.

Privateer, một công ty do Jah đồng sáng lập, theo dõi khoảng 48.000 vật thể nhân tạo từ bé như điện thoại di động đến trạm ISS. Chỉ có khoảng 10% trong số đó còn hoạt động, phần còn lại là rác vũ trụ.

VNE