"Người sao Hỏa" trong tương lai sẽ phải ăn thuần chay

Elon Musk thành lập SpaceX vào năm 2002, một trong những mục tiêu cuối cùng của công ty này là biến nhân loại trở thành chủng loài sinh sống đa hành tinh, tạo ra một thuộc địa bền vững trên sao Hỏa.

Tỷ phú đã tiết lộ chi tiết về một khu định cư trên sao Hỏa trong tương lai, bao gồm ý tưởng về "mái vòm kính" hoạt động như môi trường sống tạm thời trong khi hành tinh này được địa hình hóa và việc sử dụng các trang trại thủy canh để sản xuất trái cây và rau quả cho những người định cư.


Ý tưởng về "mái vòm kính" hoạt động như môi trường sống tạm thời trên sao Hỏa.

Khi tên lửa Starship được lên kế hoạch cho chuyến bay không người lái tới Hành tinh Đỏ vào năm 2024, các chuyên gia đang bắt đầu xem xét những gì cần thiết cho con người định cư trên sao Hỏa. Những người sống trên sao Hỏa trong tương lai sẽ phải ăn một chế độ thuần chay do nguồn thực phẩm rất hạn chế.


Ảnh minh họa tên lửa Starship đến Hành tinh Đỏ

Nhà khoa học John K. Strickland từ Hiệp hội Không gian Quốc gia Mỹ, đã nghiên cứu vấn đề này, và nhận xét rằng nếu duy trì chế độ ăn thịt cá, số lượng người sinh sống trong một mái vòm trên sao Hỏa phải giảm đi một nửa so với ăn thuần chay.

Ông cho biết một cộng đồng khoảng 5.000 người chỉ ăn thực vật, có thể được duy trì bởi một trang trại rộng khoảng 900.000m vuông - trải đều trên bốn tầng, vật liệu và hạt giống được đưa lên sao Hỏa bằng tàu Starship.

Elon Musk muốn có một thành phố tự duy trì hoàn toàn, phát triển mạnh mẽ trên sao Hỏa vào năm 2050.

Musk giải thích: “Trái đất đã ~ 4,5 tỷ năm tuổi, nhưng sự sống vẫn chưa phải là đa hành tinh và không chắc chắn rằng chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa”.

“Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình thuộc địa hóa đó, những người dân cư ngụ trên sao Hỏa sẽ phải làm quen với chế độ ăn thuần chay, nhưng điều thực sự lớn lao tiếp theo là xây dựng một thành phố tự duy trì trên sao Hỏa và đưa các loài động vật và sinh vật trên Trái đất đến đó”, Musk nói với tờ Time.

Strickland nói rằng để đạt được mục tiêu của Musk, sẽ cần khoảng 5.000 chuyến đi bằng Starship, mỗi chuyến chở 200 tấn hàng hóa, trước khi có thể sản xuất thực phẩm trên sao Hỏa.

Khi tất cả các thiết bị đến nơi, công việc sản xuất thực phẩm có thể bắt đầu và Strickland cho biết khu vực trồng trọt ban đầu sẽ cần khoảng 185 mét vuông và 100 kW điện cho mỗi người.


Mô hình nhà kính trồng cây trên sao Hỏa.

Điều này có nghĩa là đối với một đội xây dựng ban đầu khoảng 100 người, Musk sẽ phải lên kế hoạch cho 10 megawatt điện và gần 18.500m vuông không gian trồng trọt.

Ông cho biết sẽ cần một lượng điện đáng kể để hỗ trợ 5.000 người, vào khoảng 500 megawatt điện.

Trên Trái đất, một nhà máy điện 500 megawatt sẽ đủ cung cấp điện cho ít nhất 50.000 ngôi nhà. Tuy nhiên, điều đó không bao gồm công nghiệp và sản xuất thực phẩm, mà bất kỳ nhà máy nào trên sao Hỏa sẽ phải hỗ trợ.

Vì không có nhiên liệu hóa thạch trên sao Hỏa nên việc giải quyết vấn đề năng lượng sẽ rất khó khăn, khi mà lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ trên sao Hỏa, nơi có ánh sáng mặt trời yếu hơn sẽ không mang lại hiệu quả như trên Trái đất.

Một phần năng lượng này có thể được sử dụng để hỗ trợ các nhà địa chất tìm kiếm các địa điểm khoáng sản có thể được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng.


Để đạt được mục tiêu của Musk, sẽ cần khoảng 5.000 chuyến đi bằng Starship

“Các nhà địa chất sẽ có thể điều tra một khu vực rộng lớn xung quanh căn cứ hoặc khu định cư, có thể phát hiện ra các mỏ khoáng sản có giá trị sử dụng lớn cho khu định cư”, Strickland nói.

Ông gợi ý rằng thay vì đi một mình, SpaceX nên dẫn đầu và hợp tác với NASA, vì điều này sẽ cho phép các nguồn lực được tập hợp xung quanh một địa điểm cư trú.

SpaceX không phải là cơ quan duy nhất đặt mục tiêu hạ cánh con người lên sao Hỏa, Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng sẽ đến được Hành tinh Đỏ vào cuối những năm 2030. Năm ngoái, để chuẩn bị cho việc gửi các phi hành gia lên sao Hỏa, NASA đã bắt đầu tuyển người sống thử trong một năm ở Mars Dune Alpha, với số lượng là 4 người. Mars Dune Alpha là môi trường sống giả lập như trên sao Hỏa, rộng gần 160m2, được tạo ra bởi công nghệ in 3D và đặt bên trong một tòa nhà tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston.


 Thay vì đi một mình, SpaceX nên dẫn đầu và hợp tác với NASA.

Strickland cho rằng khi khu định cư trên sao Hỏa ngày càng lớn, nó sẽ trở nên quan trọng hơn và trở thành ngôi nhà thứ hai của nhân loại.

Trước đây, Musk đã đề xuất đưa vũ khí hạt nhân đến sao Hỏa, như một cách gây ra hiệu ứng nhà kính và giúp hình thành một bầu khí quyển dày hơn. Tuy nhiên, ông không tin rằng có thể làm được trong thời gian ngắn, vì sẽ mất hàng trăm, hoặc hàng nghìn năm để tạo ra một hệ sinh thái giống như Trái đất.

Đó là lý do tại sao Musk thúc đẩy phát triển các thành phố mái vòm, cho phép con người giữ an toàn trong khi sống trên bề mặt của một thế giới khác.

Theo Pháp luật và bạn đọc