Nhện ngày càng hung dữ hơn vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu không chỉ khiến cho cuộc sống của con người trở nên khó khăn mà còn ảnh hưởng đến bản tính loài nhện.

Theo Science Alert, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học McMaster (Canada) cho thấy loài nhện đang dần trở nên hung dữ hơn vì những thay đổi tiêu cực của khí hậu Trái Đất.

Hành tinh của chúng ta ngày càng nóng lên. Điều này làm tăng tần suất và cường độ của các cơn bão nhiệt đới. Các nhà khoa học dự báo các - được gọi là "thiên nga đen" - sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Trong thời tiết khắc nghiệt, những cá thể nhện càng dữ tợn càng có khả năng sống sót cao, sau đó truyền lại đặc điểm này cho thế hệ tiếp theo.

"Điều cực kỳ quan trọng là phải hiểu tác động của hiện tượng thời tiết 'thiên nga đen' đối với sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên", nhà sinh vật học Jonathan Pruitt của Đại học McMaster viết trên tạp chí Nature Research.


Loài nhện có xu hướng hung dữ hơn để thích nghi với biến đổi khí hậu. (Ảnh: iNaturalist).

"Khi mực nước biển tăng lên, tần suất các cơn bão nhiệt đới cũng tăng theo. Chúng ta phải đối mặt với tác động của những cơn bão này đến hệ sinh thái và sự tiến hóa của động vật".

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên loài nhện Anelosimus studiosus. Chúng có mặt hầu khắp nước Mỹ và thường xuyên chịu tác động của những cơn bão nhiệt đới xảy ra từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm tại quốc gia này.

Thông thường, hàng trăm cá thể Anelosimus studiosus chung sống thành bầy ở các vùng ven sông, hồ. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng hài lòng với cộng đồng nhỏ bé này.

Có 2 xu hướng hành vi thể hiện rõ ràng, một số tỏ ra khá dễ chịu trong khi những con khác hung dữ hơn. Một bầy nhện có nhiều con dữ tợn thì bầy đó càng hung hăng hơn.

Những cá thể nhện hung dữ phản ứng nhanh hơn với kẻ thù và con mồi, đồng thời có xu hướng tấn công, ăn thịt đồng loại hiền lành. Chúng có khả năng sống sót và vượt qua sự cố tốt hơn sau đó tiến hành "xâm lấn" những khu vực lân cận.

"Bản tính hung hăng của Anelosimus studiosus được di truyền từ bố mẹ sang thế hệ con cái, trở thành yếu tố chính giúp chúng sống sót, thích nghi với điều kiện môi trường tự nhiên và địa điểm mới", các tác giả khẳng định. "Nhìn rộng hơn, sự hung dữ ở nhện có liên quan đến môi trường sống, cũng như sự ứng phó với các cơn bão nhiệt đới".

Để xác định tác động của bão, các nhà khoa học thu thập nhện ở những nơi được dự báo có bão đổ bộ. Sau 48 tiếng từ lúc bão tan, họ quay trở lại lấy mẫu lần thứ 2. Trong 3 cơn bão lớn xảy ra vào năm 2018, nhóm nghiên cứu quan sát 240 bầy nhện Anelosimus studiosus. Kết quả cho thấy những cá thể nhện sống sót có xu hướng hung dữ hơn.

Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng việc thiếu nguồn thức ăn sau bão là nguyên nhân chính. Để tồn tại trong điều kiện khó khăn, bầy nhện cần những cá thể hung dữ, bảo vệ tốt lãnh thổ của mình trước kẻ xâm lược. Qua thời gian, những bầy càng có nhiều cá thể như vậy càng tồn tại, phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, việc nhện bố mẹ bận rộn tìm kiếm thức ăn và bảo vệ lãnh thổ khiến cho con cái của chúng cũng phải tự phát triển được kỹ năng sinh tồn.

Nghiên cứu này hoàn thành với sự hợp tác giữa nhà sinh vật học di truyền của Đại học McMaster (Canada), Đại học California (Mỹ) và được công bố trên tạp chí Nature Research số tháng 8/2019.

Theo Zing