Những hệ lụy khi con "tắm mình" trong xung đột của cha mẹ

Cha mẹ xung đột, con trẻ thiệt thòi

Sau những mâu thuẫn được giải quyết bằng trận cãi vã nảy lửa với vợ, Tùng Kha (kiến trúc sư, 43 tuổi) ở Q.Thủ Đức, TPHCM, lại tìm đến nhóm bạn thân nhậu nhẹt để giải tỏa tâm lý căng thẳng. Chỉ tội nghiệp 3 đứa con trong nhà phải gánh tiếp những nỗi bực dọc, ấm ức, tức tối từ mẹ.

Khi cha mẹ đấu khẩu để tuôn những “uất ức” bấy lâu, thì ba đứa con chỉ biết ngồi nép vào một góc và khóc thút thít. Anh chị bất đồng nhiều thứ, nhưng chuyện chăm sóc, nuôi dạy con là chủ đề dễ gây xung đột, cãi vã nhiều nhất giữa họ.

Cha mẹ xung đột sẽ khiến các con phải gánh sự ấm ức - Ảnh minh họa

Con đến giờ ăn, ba thì muốn cho nhanh nên cho tất cả những thứ thức ăn bổ dưỡng vào một tô đầy cơm, thậm chí cho cả canh khiến cơm nhão nhoẹt, rồi bắt con ăn. Còn mẹ thì muốn để riêng từng món cho con thích món nào chọn món đó.

Về quê chơi, ba muốn con thoải mái ra lội ruộng, bắt dế, bắt ốc còn mẹ thì cấm vì sợ con bẩn. “Cứ mỗi lần vợ chồng chúng tôi xích mích gây gổ, cãi vã là lại giận dỗi nhau cả tuần, không ai nhìn mặt ai, thậm chí vợ tôi còn xách đồ qua bên ngoại khiến tụi nhỏ buồn so, tội nghiệp lắm”, anh Kha cho biết.

Còn vợ chồng anh Quảng- chị Thu (Q. Bình Thạnh, TPHCM) lại thường không kiềm chế được và hay cãi nhau về chuyện tiền nong. Anh Quảng dồn hết số tiền dành dụm có được mua đất của bố mẹ vợ. Nhưng chị Thu cho rằng do mình là con gái nên bố mẹ bán rẻ, chị cậy thế nên coi thường anh, buộc chồng phải sung tất cả thu nhập vào quỹ gia đình. Chị bắt chồng chi tiêu tiết kiệm, dè xẻn nhưng bản thân lại xài nhiều tiền cho trang phục, phụ kiện và mỹ phẩm. Anh Quảng thì ngược lại nên cả hai đều luôn cảm thấy ức chế, bực bội về nhau.

Đầu độc tâm hồn

Bất đồng, xung đột giữa vợ chồng là một phần tất yếu của đời sống hôn nhân. Hai người dù có yêu thương nhau đến mấy thì cần phải nhận thức rõ rằng mỗi người là một “cái tôi” riêng biệt, chẳng ai giống ai, về sở thích, năng lực, đặc điểm tâm lý giới tính, trình độ văn hóa, lối ứng xử… Mỗi người trong quá trình lớn lên chịu sự ảnh hưởng của những hoàn cảnh gia đình khác nhau từ thời ấu thơ nên sự khác biệt của cá nhân là đương nhiên.

Tuy nhiên, đã là người trưởng thành, có trách nhiệm, cha mẹ phải lường hết hệ lụy mà mình gây ra cho con trẻ khi mà để xung đột xảy ra trước mặt chúng. Nếu sống thường xuyên dưới áp lực của những trận cãi vã không hồi kết của cha mẹ, trẻ không còn được sống trong bầu không khí gia đình đầm ấm, lành mạnh, nhận được yêu thương mà là bị đầu độc tâm hồn bởi những hành vi gây tổn thương.

Dù chứng kiến cha mẹ khẩu chiến hay động thủ, cái mà trẻ nhận được đều là những lời nói cay nghiệt, cách hành xử bạo lực - Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ thỏa thuận không cãi vã trước mặt con, nhưng thực tế, trẻ rất nhạy cảm, chúng sẽ cảm nhận được sự giả dối trong vở kịch của cha mẹ và thêm những suy nghĩ xấu xa về người lớn.

Thậm chí có những đứa trẻ “khôn sớm” đã liên tưởng đến những hành vi chưa đúng của mình và suy diễn bản thân chính là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn và xích mích giữa cha mẹ, từ đó tự kết tội và mang cảm giác tội lỗi.

Người lớn còn biết cách giải tỏa stress sau những căng thẳng, mệt mỏi chứ con trẻ thì lãnh đủ bởi chúng chưa có được những kỹ năng để chống chọi. Vì thế, khi sống mãi trong bầu không khí ngột ngạt, bức bối trẻ trở nên u uất, trầm cảm, thu mình vào thế giới riêng. Việc học tập, sinh hoạt của trẻ chắc chắn sẽ bị rối loạn và sa sút, vì chúng có cố gắng cũng chẳng ai để ý khen ngợi và có thể chúng sẽ bất mãn, quậy phá lại được người lớn quan tâm hơn.

Theo Giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan

Phụ Nữ Việt Nam

Theo Dân Trí