Phát hiện dấu vết sự sống trong hố thiên thạch 375 triệu năm

Hố va chạm đường kính 52km do thiên thạch đâm xuống Trái Đất trở thành môi trường sống thuận lợi cho vi sinh vật cổ đại.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Linnaeus phân tích mẫu đá lấy từ hố trũng Siljan, hay Siljan Ring, hố va chạm lớn nhất châu Âu với đường kính khoảng 52km, IFL Science hôm 23/10 đưa tin. Hố trũng này hình thành cách đây khoảng 375 triệu năm, khi một thiên thạch lớn đâm xuống vùng đất thuộc Thụy Điển ngày nay.


Những tinh thể nhỏ được tìm thấy trong mẫu đá dưới hố thiên thạch Siljan. (Ảnh: Henrik Drake).

Mẫu đá chứa những tinh thể canxi carbonate (CaCO3) và sulfide nhỏ, nhiều khả năng hình thành do hoạt động của vi sinh vật. "Việc mẫu khoáng vật chứa tương đối nhiều đồng vị carbon và sulfur khác nhau cho thấy, nơi này từng xuất hiện loại vi sinh vật tạo ra và tiêu thụ khí nhà kính cũng như loại khử sulfate thành sulfide", Henrik Drake, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nhà khoa học sử dụng kỹ thuật định tuổi bằng đồng vị phóng xạ để tìm ra thời điểm vi sinh vật bắt đầu hoạt động. Kết quả là các tinh thể hình thành 80-22 triệu năm trước, đồng nghĩa sự sống xuất hiện trong hố trũng Siljan sau khi thiên thạch đâm xuống khoảng 300 triệu năm.

Sự sống không chỉ tồn tại trên bề mặt Trái Đất mà còn ẩn dưới lòng đất, trong sinh quyển sâu. Nơi cư trú của những sinh vật này thường được cho là do các vụ va chạm thiên thạch tạo nên. Điều đó chứng tỏ, nếu có sinh vật sống trên hành tinh khác, có thể chúng cũng xuất hiện nhờ thiên thạch đâm xuống. Vụ va chạm như vậy giúp sự sống phát triển bằng cách tạo ra lỗ hổng để vi sinh vật sống bên trong và điều chỉnh sự đối lưu thủy nhiệt.

Việc hiểu cặn kẽ về sự sống của vi sinh vật tại các hố va chạm mang đến nhiều suy luận trong lĩnh vực sinh học vũ trụ, theo Magnus Ivarsson, đồng tác giả nghiên cứu. "Phát hiện của chúng tôi giúp khẳng định, hố va chạm là môi trường sống thuận lợi cho vi sinh vật ở Trái Đất, thậm chí có thể ở những nơi khác ngoài vũ trụ", Drake bổ sung.

Theo VnExpress