Tại sao các tỷ phú thế giới vung tiền cho đền bù carbon?

Sau khi tham gia các hoạt động tạo ra nhiều khí thải, tỷ phú như Bill Gates, Jeff Bezos đầu tư mạnh vào những dự án chống biến đổi khí hậu để bù đắp.

Chuyện tỷ phú nhiệt tình khuyến khích các giải pháp tiềm năng chống biến đổi khí hậu nhưng vẫn bay vòng quanh thế giới, để lại lượng lớn khí thải carbon, diễn ra thường xuyên. Chỉ trong khoảng một tuần qua, chuyện này xảy ra tới hai lần.


Du thuyền Lana của Bill Gates neo đậu ngoài khơi vịnh Buyuk Boncuklu, tỉnh Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 27/10. (Ảnh: Ali Riza Akkir/Anadolu Agency)

Đầu tiên là Bill Gates, người thẳng thắn ủng hộ việc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Gates tổ chức sinh nhật lần thứ 66 bằng cách tiếp đón hàng chục vị khách, trong đó có Jeff Bezos, trên một siêu du thuyền ở Địa Trung Hải, gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Một số vị khách bay đến du thuyền bằng trực thăng. Vài ngày sau, Bezos cũng đối mặt với những phản ứng dữ dội khi dùng máy bay riêng tới dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Scotland.

Giới siêu giàu thường biện luận rằng sự nổi tiếng và lịch trình bận rộn đòi hỏi họ phải di chuyển bằng máy bay riêng, trực thăng hoặc du thuyền. Trong cuốn "How to Avoid a Climate Disaster" xuất bản năm 2021, Gates viết rằng ông trung hòa lượng khí thải (không tính hoạt động hàng không) của mình bằng cách "mua đền bù carbon thông qua một công ty vận hành một cơ sở loại bỏ CO2 khỏi không khí". Hôm 2/11, phát ngôn viên của Quỹ Trái Đất Bezos 10 tỷ USD cho biết, Jeff Bezos cũng "bù đắp cho toàn bộ lượng khí thải carbon từ những chuyến bay của mình".


Bill Gates trong hội nghị COP26 tổ chức tại Glasgow, Scotland, hôm 2/11. (Ảnh: Evan Vucci/Pool/Reuters)

Đền bù carbon không phải công cụ dành riêng cho các tỷ phú. Bất cứ ai cũng có thể bỏ tiền để đền bù carbon. Vậy công cụ này là gì?

Về lý thuyết, đền bù carbon giúp một đối tượng bù đắp lượng carbon thải ra bằng cách cấp tiền cho những dự án môi trường làm giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển. Một tín chỉ đền bù carbon được cho là bằng với một tấn CO2, hoặc một lượng tương đương các khí nhà kính khác, được loại bỏ khỏi không khí.

Hành trình lái xe từ San Francisco đến Atlanta, khoảng 4.000 km, tạo ra xấp xỉ một tấn CO2, theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Một chiếc xe hơi trung bình thải khoảng 5 tấn CO2 mỗi năm.

Công ty hoặc chính phủ có thể mua đền bù carbon để bù đắp cho việc sản xuất sản phẩm trong nhà máy. Trong khi đó, cá nhân thường dùng chúng để bù đắp cho lượng carbon thải ra từ hoạt động lái xe hoặc bay. Có thể mua tín chỉ từ những công ty và chương trình trồng cây hoặc tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, thậm chí mua từ những nông dân làm giảm hoặc giữ lại khí thải methane từ động vật chăn nuôi.

Theo lý thuyết, một tài xế trung bình có thể bù đắp cho lượng carbon mà xe thải ra với số tiền chưa đến 100 USD mỗi năm. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Mỹ hồi tháng 9, mức đền bù carbon thường là 2 - 20 USD cho mỗi tấn khí thải được loại bỏ.

Bill Gates chi khoảng 5 triệu USD mỗi năm để bù đắp cho lượng khí thải carbon của gia đình mình. Ông không nói chính xác số tiền này được sử dụng vào đâu nhưng đã đầu tư cho nhiều công ty cung cấp đền bù carbon, bao gồm startup Carbon Engineering (Canada) và công ty Carbfix (Iceland). Carbon Engineering sử dụng quá trình "thu giữ không khí trực tiếp" để tách CO2 khỏi không khí và lưu trữ một cách an toàn. Trong khi đó, Carbfix hút CO2 từ các nhà máy điện và bảo quản trong đá núi lửa.


Jeff Bezos phát biểu tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland. (Ảnh: Chris Jackson)

Hiệu quả thực sự của đền bù carbon hiện vẫn gây tranh cãi. Theo một báo cáo của tổ chức ProPublica năm 2019, nhiều chương trình bán tín chỉ carbon cho những dự án giảm carbon mà sau này không triển khai được.

California nỗ lực bù đắp cho lượng khí thải carbon bằng cách đầu tư mạnh vào rừng cây, đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. Tuy nhiên, nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận CarbonPlan vào tháng 4 cho thấy, California đã đánh giá quá cao giá trị khí hậu của những nỗ lực mà bang này thực hiện và phần bù đắp không phản ánh lợi ích khí hậu thực sự.

Tháng trước, tổ chức môi trường Greenpeace kêu gọi dừng đền bù carbon và dẫn lại lời của một số chuyên gia lo ngại rằng hoạt động đền bù carbon đang lấy mất tiền vốn dành cho những giải pháp khí hậu dài hạn. Một số khác cho rằng đền bù carbon chỉ là cách thuận tiện để các tỷ phú và doanh nghiệp biện minh cho hoạt động gây ô nhiễm của họ thay vì thực sự giảm phát thải.

Dù vậy, đền bù carbon có vẻ ngày càng trở nên phổ biến, nhất là khi các chính phủ và tổ chức cam kết giảm mạnh lượng khí thải. Chi tiêu toàn cầu cho đền bù carbon có thể tăng từ khoảng 300 triệu USD năm 2018 lên 100 tỷ USD năm 2030, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Một lý do thường thấy là mua đền bù carbon vẫn tốt hơn không làm gì. Nhiều công ty và cá nhân hoàn toàn có khả năng, và nên, thực hiện những cải tiến để giảm lượng khí thải carbon, nhưng khó có thể giảm hẳn xuống bằng 0.

Đây dường như cũng là chiến lược của Bill Gates - giảm khí thải khi bạn có thể, mua đền bù carbon để bù đắp khi bạn không thể. Thậm chí có thể mua vượt mức nhằm đảm bảo chắc chắn. "Vì phương pháp tính lượng khí thải carbon vẫn còn sơ khai, tôi đã nhân đôi lượng khí thải carbon của gia đình mình để chắc chắn đền bù hết số lượng chúng tôi tạo ra", Gates chia sẻ.

Theo VnExpress