Tha thứ không phải vì người kia xứng đáng được tha thứ, mà vì bạn xứng đáng được bình an

Bài học từ củ khoai tây

Ở một lớp học nọ, khi giảng về sự tha thứ, người thầy yêu cầu các học sinh của mình mang theo một túi nilon sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Thầy giáo nói: “Mỗi lần các em không tha thứ lỗi lầm cho một ai đó thì hãy nhặt lấy một củ khoai tây, viết tên người ấy và ngày tháng lên củ khoai đó, sau đó cho nó vào chiếc túi nilon”. Người thầy còn yêu cầu học trò phải luôn đeo chiếc túi đó bên mình dù đi đâu, làm gì, ngủ hay thức.

Chỉ sau một vài ngày, túi nilon của nhiều người trong lớp đã nặng dần lên. Đám học trò ai nấy đều cảm thấy phiền phức và mệt mỏi khi phải mang vác một cái túi chứa quá nhiều khoai tây mỗi ngày. Sự thật là những chiếc túi không hề vơi đi mà chỉ có nặng thêm theo thời gian. Không những vậy, họ còn phải luôn để tâm tới chiếc túi, dù bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu.

Tệ hơn nữa, theo thời gian, đống khoai tây bắt đầu hư hỏng và phân hủy thành chất lỏng nhầy nhụa và bốc mùi. Ai nấy đều không muốn mang nó bên mình thêm một chút nào nữa. Sau cùng, tất cả học sinh đã hiểu ra rằng nếu không biết buông bỏ thù hận, chúng sẽ sống rất khổ sở.

Giữ mãi lòng hận thù chỉ làm ta thêm đau khổ

Qủa là khó khăn để quên đi những điều không vui, những người làm ta tổn thương trong quá khứ. Một người yêu đã làm tan nát cõi lòng ta, một người bạn đã từng phản bội ta, một người thân trong gia đình đã phản đối gay gắt quyết định của ta,… Những cảm xúc giận dữ, đau khổ đã cắm rễ trong tim ta rất sâu, thật khó để có thể tha thứ hoàn toàn. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, nếu không tha thứ, bạn sẽ càng đau khổ thêm bội phần?

Đức Phật đã dạy rằng, ai không buông bỏ được những tổn thương người khác gây ra với mình thì cũng chẳng thể chạm tay tới bình yên. Khi biết cách tha thứ, dù là tha thứ cho người khác hay tha thứ cho chính mình, là bước quan trọng trong hành trình đến với sự an lạc.

Học cách tha thứ, ta phát triển được trí tuệ và lòng từ bi. Những hoàn cảnh dẫn đến sự đau khổ giúp chúng ta có thêm “chất liệu” để tu tập, để tâm thêm thông tuệ và giàu lòng nhân ái. Bởi vậy, ta không nên ôm mãi hận thù những người đã mang tới những trái đắng cho cuộc đời mình.

Sự thay đổi duy nhất bạn có thể làm là thay đổi chính mình

Rất có thể rằng, khi ta giận một ai đó sâu tới mấy cũng chẳng thể khiến họ thay tính đổi nết, chẳng thể thay đổi được lối sống và hành vi của họ. Bạn chỉ có 2 lựa chọn. Một là chấp nhận sự hận thù này sẽ cắm rễ sâu hơn trong trái tim bạn thêm từng ngày, khiến bạn đau đớn khôn nguôi. Kìm giữ sự oán giận trong lòng cũng giống như tự mình uống thuốc độc rồi mong cho kẻ thù sẽ lăn ra chết. Hoặc sự lựa chọn thứ hai là, tha thứ cho người khác rồi gạt họ ra ngoài tâm trí. Bạn không cần phải yêu mến người đã làm tổn thương mình, nhưng bạn có thể cho phép bản thân được sống một cuộc đời hạnh phúc hơn, bằng cách tha thứ.

Trân trọng những điều tốt đẹp khác trong đời

Cuộc đời sẽ đáng yêu biết bao khi bạn biết tập trung vào những điều tốt đẹp khác trong đời thay vì nhớ mãi những điều không vui đã qua. Trải qua tổn thương, dĩ nhiên ai cũng sẽ khó mở lòng để đón nhận những món quà mới của cuộc đời. Bạn e sợ những người sau sẽ lại làm tổn thương mình thêm một lần nữa. Nhưng như vậy chính là bạn đang tự giới hạn hạnh phúc cho chính mình. Và tha thứ, chính là chiếc chìa khóa tuyệt vời giúp bạn lấy lại niềm vui sống và sự tự tin để bước tiếp.

Tha thứ đâu chỉ là “làm việc tốt với người được tha thứ”, mà đó còn là món quà lớn cho chính bạn. Như triết gia Jonathan Lockwood Huie đã nói: “Tha thứ không phải người kia xứng đáng được tha thứ, mà vì bạn xứng đáng có được bình an”.

Vy Cầm

KhamPhaMai.com