Tiếng nổ lớn và cầu lửa trên trời gây hoảng loạn ở ba tiểu bang Mỹ

Sao băng sáng rực, còn được các nhà khoa học gọi là cầu lửa, đã vỡ tan trên bầu trời ở ba bang nước Mỹ và gây ra tiếng nổ lớn.

Hơn 30 người ở Arkansas, Louisiana và Mississippi (Mỹ) cho biết họ đã nhìn thấy sao băng sáng đặc biệt trên bầu trời vào khoảng 8h ngày 27/4, sau khi nghe thấy những tiếng nổ lớn ở hạt Claiborne, Mississippi và các khu vực xung quanh, Guardian dẫn lại báo cáo của NASA.

Các quan chức cho biết lần đầu tiên sao băng được phát hiện ở độ cao 87 km trên sông Mississippi, gần Alcorn, Mississippi.

“Đây là một trong những sự kiện đẹp hơn cả những gì mà tôi đã thấy trong dữ liệu Geostationary Lightning Mappers (công cụ lấy hình ảnh từ vệ tinh)”, Bill Cooke, lãnh đạo Văn phòng Môi trường Meteoroid của NASA tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Marshall ở Huntsville, Alabama, nói.


Vệt sao băng trên bầu trời trong trận mưa sao băng Perseid hàng năm vào tháng 8/2021. (Ảnh: Shutterstock).

Vật thể, được các nhà khoa học gọi là “cầu lửa”, di chuyển về phía tây nam với tốc độ khoảng 88.513km/h, đã lao xuống từ trên không trung và vỡ ra thành nhiều mảnh khi đi sâu hơn vào bầu khí quyển của Trái đất.

Nó tan rã trong vô vàn những tia sáng rợp trời ở độ cao 55 km trên một khu vực đầm lầy, phía bắc Giáo xứ Concordia, Minorca ở Louisiana.

Một nhân chứng nói với Vicksburg Post rằng cô nghe thấy một tiếng động lớn. Sau đó, cô nhìn lên và thấy một “quả cầu lửa màu cam, to bằng quả bóng rổ, với cái đuôi màu trắng”, đang lao về hướng Tây sông Mississippi.

Cơ quan quản lý khẩn cấp quận Claiborne đã đăng một tuyên bố trên Facebook xác nhận các báo cáo và lưu ý rằng nhà máy điện hạt nhân gần đó không liên quan.

“Trạm hạt nhân Grand Gulf được đảm bảo an toàn. Không có mối đe dọa nào đối với quận”, theo bài đăng của cơ quan này.

NASA cho biết sự tan rã của cầu lửa tạo ra đủ năng lượng dẫn đến các sóng xung kích lan truyền xuống mặt đất, khiến người dân cảm nhận được vụ nổ và rung chuyển trong khu vực.

NASA cho biết vào thời điểm cực đại, cầu lửa sáng gấp 10 lần trăng tròn.

Theo Zing