Tìm thấy gấu trúc bạch tạng hoang dã đầu tiên trên thế giới

Con gấu trúc có cả bộ lông màu trắng được tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long, tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Các nhà khoa học nhận thấy con gấu hoàn toàn khỏe mạnh.

Trung Quốc ngày 25/5 lần đầu công bố hình ảnh một con gấu trúc mắc hội chứng bạch tạng trong môi trường hoang dã, theo South China Morning Post.

Hình ảnh của con gấu trúc đột biến gene được ghi lại vào tháng trước, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long, nằm ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Khu vực đặt camera nằm ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển.


Con gấu trúc bạch tạng, với cả bộ lông lẫn móng vuốt đều có màu trắng, được phát hiện ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Weibo).

Con gấu trúc độc nhất vô nhị này có đủ những đặc điểm của hội chứng bạch tạng gồm màu lông trắng như tuyết, móng vuốt trắng và cặp mắt màu đỏ.

"Đây là lần đầu tiên hình ảnh một con gấu trúc bạch tạng được ghi lại bằng camera. Điều này cho thấy đã xảy ra đột biến gen trong quần thể loài gấu trúc khổng lồ", Li Sheng, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

"Dựa trên bức ảnh, chúng ta thấy con gấu trúc này vẫn khỏe mạnh về thể chất với những bước đi vững chãi. Biến đổi gen có thể không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của loài", ông đánh giá.

Tuy nhiên, ông Li Sheng cũng cho rằng hội chứng bạch tạng dù không tác động đến thể chất của gấu trúc, vẫn có khả năng làm cho con vật dễ khó lẫn trốn và nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống lẫn khả năng sinh sản của con vật.

Giới chức quản lý khu bảo tồn cho biết sẽ lắp đặt thêm camera để giám sát quá trình phát triển của con gấu trúc bạch tạng, cách nó tiếp xúc với phần còn lại của quần thể và đánh giá liệu bề ngoài lạ thường có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nó hay không. Theo ông Li Sheng, con gấu này chỉ mới một hoặc hai tuổi.

Theo Zing