Top 20 bí quyết rùng rợn giúp "trường sinh bất lão" của người xưa

Với mong muốn có thể trường sinh bất lão hoặc đơn giản hơn là giúp mình "tút tát" lại nhan sắc, nhiều nhà giả kim và những người có địa vị thời xưa đã nghĩ ra những phương thuốc kỳ dị và thật rùng mình để sử dụng.

Trường sinh bất lão là mơ ước từ lâu của bao người, bởi vậy ngay từ thời xa xưa con người đã cố gắng hết sức để tìm mọi cách làm chậm lại vòng tuần hoàn "sinh lão bệnh tử" của kiếp người. Lịch sử ghi lại có rất nhiều phương pháp rùng mình đã được đưa ra và được "quảng cáo" là sẽ giúp con người trở nên bất tử khiến ngày nay khi xem lại ai cũng không khỏi rùng mình vì quá ớn lạnh.


Năm 1796, nhà vật lý người Đức Christoph Wilhelm Hufeland cho rằng ngủ bên cạnh những trinh nữ mà không quan hệ sẽ có thể kéo dài tuổi thọ.


Gaius Plinius Secundus - một nhà sử gia đã cho biết những người La Mã sống ở thế kỷ 1 sau Công nguyên đã uống máu của các đấu sĩ để giúp chữa bệnh động kinh và tăng cường sức khỏe.


Vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, một quyển sách tiếng Phạn mang tên Sushruta Samhita khuyên những người muốn sống thọ nên uống hỗn hợp vàng, mật ong, bột rễ cây và bơ sau khi tắm vào buổi sáng.


Khoảng năm 133 trước Công nguyên, nhà giả kim Li Shao Chun đã khuyên hoàng đế nhà Hán ăn những đồ ăn làm bằng vàng để giúp kéo dài tuổi thọ.


Một phương thuốc được xem rất thần kỳ, có thể “biến đổi ông già thành thanh niên” đã được tìm thấy trên mẩu giấy cói có niên đại 1600 năm trước Công nguyên. Theo công thức này, người ta phải trộn một loại quả có tên là hemayet với nước, sau đó đun sôi cho đến cạn và sấy khô rồi sử dụng.


Vào thế kỷ 1 trước Công nguyên, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã thường xuyên tắm bằng sữa lừa để duy trì vẻ đẹp và sự tươi trẻ.


Đạo giáo cổ xưa quan niệm rằng, ăn trứng của các loài động vật sống lâu (ví dụ như rùa) có thể giúp con người trường sinh bất lão.


Ge Hong - một nhà giả kim sống ở thế kỷ thứ 4 đã chế tạo ra một bài thuốc được "quảng cáo" là sẽ giúp con người trường sinh bất tử gồm não khỉ và các loại thảo mộc. Ông nói rằng nếu sử dụng phương thuốc này thường xuyên thì con người có thể sống đến 500 năm. Thật kinh khủng đúng không!


Roger Bacon, một nhà sư kiêm triết gia sống ở thế kỷ 13 đã sở hữu một số phương pháp kỳ lạ để có cuộc sống vĩnh cửu. Trong cuốn sách “The Cure Of Old Age” của mình, ông khuyên mọi người nên uống rượu pha cùng với vàng, ngọc trai, san hô và xương hươu. Ngoài ra, ông còn khẳng định ăn rắn rất tốt cho sức khỏe và có thể giúp kéo dài tuổi thọ.


Vào thế kỷ 16, Diane de Poitiers - tình nhân của Vua Henry II (Pháp) đã uống một hỗn hợp vàng clorua và dietyl ete với mong muốn sẽ giúp mình trẻ mãi không già. Đáng tiếc là hợp chất này đã khiến Diane chết dần chết mòn và qua đời ở tuổi 66. Những khám nghiệm trên tóc của bà cho thấy bà đã bị ngộ độc vàng mãn tính. Diane cũng không phải người phụ nữ duy nhất ra đi trong nỗ lực làm đẹp của mình bởi cũng có nhiều người đã mất vì nhiễm độc chì và asen có quá nhiều trong đồ trang điểm xưa.


Bác sĩ của vua Charles II (Anh) là Tobias Whitaker đã khuyên mọi người uống thật nhiều rượu để kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ông này đã qua đời vào năm 1664 và chỉ sống thọ 60 tuổi.


Năm 1920, nhà tâm lý học Eugen Steinach đã thử nghiệm thắt một phần ống dẫn tinh để kéo dài tuổi thọ.


Cũng trong năm 1920, Serge Voronoff đã thuyết phục hàng ngàn người đàn ông cấy tinh hoàn của tinh tinh để phục hồi sinh lực.


Năm 1921, tiến sĩ Charles G. Davis đã viết về radium như một loại thuốc kỳ diệu có thể giúp các tế bào khỏe mạnh hơn và đẩy lùi tuổi già.


Thế giới ghi nhận một người có tên John Brinkley đã cấy ghép tinh hoàn dê vào cơ thể người để giúp kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, vào năm 1930 toàn bộ giấy phép hành nghề của ông đã bị thu hồi.


Charles-Édouard Brown-Séquard (1817 - 1894) là một nhà sinh lý học, thần kinh học uyên bác nhưng tới cuối đời ông đã hủy hoại danh tiếng khoa học của chính mình khi đi tìm sự bất tử. Theo đó, ông đã tự tiêm vào cơ thể mình hợp chất được chiết xuất từ tinh hoàn của chuột lang và chó bởi ông tin rằng đó là thần dược làm trẻ hóa.


Một trong những phương pháp kì lạ khác mà người xưa tin để có thể trở nên bất tử là ướp xác cơ thể sống của chính mình. Tục ướp xác sống này được những nhà sư thuộc dòng tu bí truyền Shingon ở Nhật thực hiện từ 1.000 năm trước. Thường thì những nhà sư sau khi tự ướp xác mình sẽ không bị coi là “chết” mà là rơi vào trạng thái thiền sâu. Nhiều người tin rằng, những người đã thiền sâu sẽ ở trong trạng thái đó hàng tỷ năm, sau đó họ sẽ sống lại với một cơ thể nguyên vẹn.


Alexander Bogdanov (1873 - 1928) là một người xuất chúng, ông được biết đến là người tiên phong cho cải cách nghệ thuật của Liên Xô cũ. Ông tin rằng, việc thay máu sẽ khiến người ta khỏe lên và sống thọ. Chính ông đã truyền máu rất nhiều lần và sau mỗi lần như vậy, ông lại thấy mình trẻ khỏe ra. Tuy nhiên ở lần truyền máu cuối cùng của cuộc đời mình, máu truyền vào người ông là của một sinh viên bị sốt rét và ông đã qua đời ngay sau đó.


Các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa cho rằng, thuốc có thể làm tăng tuổi thọ. Bởi vậy mà rất nhiều nhà giả kim thuật Trung Quốc đã tinh chế ra “thuốc bất tử” được cho là có cả thành phần thủy ngân, nhưng đáng buồn là bệnh nhân uống thần dược này thường chết sớm hơn bình thường. Tần Thủy Hoàng - ông vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc qua đời ở tuổi 39, được chẩn đoán cái chết là do ông uống thủy ngân.


Các nhà giả kim thuật ở Trung Quốc không phải những người duy nhất tin rằng thủy ngân là một thành phần chính trong thuốc trường sinh mà người phương Tây cũng vậy. Tất nhiên, việc tiếp xúc nhiều với thủy ngân gây nguy hiểm trầm trọng cho sức khỏe của họ. Ví dụ, Isaac Newton cũng là người quan tâm sâu sắc tới phương pháp này. Và sau khi mất, ông được chẩn đoán là mang nhiều dấu hiệu của ngộ độc thủy ngân: run, hoang tưởng, rối loạn, mất ngủ trầm trọng.

Mặc dù các phương pháp giúp trường sinh bất tử kì lạ và rùng rợn như trên của người xưa đều thất bại, nhưng điều đó không có nghĩa là con người ngày nay sẽ bỏ cuộc trong hành trình đi chìa khóa cho cuộc sống vĩnh cửu cho mình. Phương thuốc giúp "trường sinh bất lão" cho đến nay vẫn luôn là công trình tốn nhiều đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học.

Theo Dân Việt