Vì sao người mắc bệnh tim không nên chơi thể thao quá sức?

Bác sĩ Trần Song Giang cho biết tập thể dục hay chơi thể thao quá sức có thể khiến người mắc bệnh tim tụt huyết áp, ngất xỉu và dễ bị đột quỵ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng khoa C9, Phó trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, cho biết khoảng 80% trường hợp đột tử khi chơi thể thao là bệnh nhân có bệnh lý tim mạch từ trước. Họ có thể đã biết bệnh, nhưng cho rằng chỉ bị nhẹ. Họ cũng có thể chưa được phát hiện bệnh lý. Nguyên nhân là họ không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.

Nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh khi làm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi, thậm chí siêu âm tim…, cũng không thể hiện bất thường về tim. Vì kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt nhưng trên điện tâm đồ có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như: Hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW... Đây là những bệnh lý có tính chất di truyền trong gia đình.

Vì sao gắng sức có thể bị ngừng tim?

Theo bác sĩ Trần Song Giang, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức như: Hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại... Những người mắc các hội chứng đó có thể không có yếu tố khởi phát, nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70-80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300-400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.

Những người này nếu tập luyện quá sức, rối loạn nhịp tim dễ xảy ra. Họ cũng có thể bị đột tử do ngưng tim khi uống rượu. "Như thực tế, có bệnh nhân trẻ, tối hôm trước vui vẻ uống rượu cùng bạn bè, nhưng sáng hôm sau, người nhà phát hiện người này đã tử vong", bác sĩ Giang chia sẻ.


Người mắc bệnh tim khi tập thể dục quá sức có thể bị tụt huyết áp, rối loạn tim mạch, dễ dẫn đến đột quỵ. (Ảnh minh họa: Drweil).

Vận động thể lực và sức khỏe tim mạch

Phó chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội cho biết người mắc bệnh tim mạch luôn được khuyến khích vận động và có thể lựa chọn các môn thể thao, thể dục, vận động thể lực phù hợp. Kể cả những trường hợp suy tim nhưng chưa phải là suy tim nặng, họ cũng được khuyến khích tập thể dục, vận động thể lực.

Chẳng hạn, người bệnh tăng huyết áp, là bệnh hay gây ra các biến chứng ở tim, được khuyên nên tập thể dục, vận động thể lực hàng ngày để làm giảm chỉ số huyết áp. Nếu duy trì được việc vận động phù hợp kết hợp dùng thuốc, hiệu quả điều trị tăng huyết áp sẽ cao hơn. Do đó, với mỗi người, vận động bao giờ cũng tốt hơn là chỉ ngồi một chỗ.

Tuy nhiên, phải xem xét tập luyện, vận động hợp lý. Ví dụ người suy tim phải tập nhẹ hơn so với người không có bệnh về tim. Hoặc với người trẻ, khả năng vận động, bài tập cũng sẽ nặng hơn so với người cao tuổi.

Nhìn chung, người trẻ cũng như người cao tuổi đều có thể tập luyện các môn tập nhẹ nhàng như đi bộ. Nhưng với những môn tập luyện đòi hỏi mất sức nhiều hơn như chạy bộ, tennis, bóng đá, họ nên được kiểm tra sức khỏe để biết về tình trạng sức khỏe, bệnh tật (nếu có).

Vì với một số bệnh về tim, việc gắng sức có thể gây ra biến chứng như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Do đó, trước khi lựa chọn môn thể thao có cường độ cao, mọi người nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người có bệnh lý cách tập luyện phù hợp với sức khỏe, thể trạng.

Người trẻ cũng như người cao tuổi bao giờ cũng phải đảm bảo theo lời khuyên của nhân viên y tế. Đó là khám sức khỏe định kỳ, để biết tình trạng sức khỏe của mình. Vì mỗi tuổi mỗi khác.

Vì vậy, bác sĩ Giang khuyến cáo vận động tốt cho sức khỏe tim mạch, nhưng phải phù hợp. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu chơi môn thể thao đối kháng.

Mọi người luôn phải có ý thức vận động, tập luyện nhưng lựa chọn các môn phù hợp sức khỏe, lứa tuổi, tình trạng bệnh (nếu có), theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, cần lưu ý chế độ ăn uống hợp lý.

Theo Zing