Vì sao Pháp không dùng máy bay chữa cháy nhà thờ Đức Bà Paris?

Việc dập lửa từ bên trong giúp cảnh sát Pháp tránh nguy cơ làm nhà thờ bị sụp đổ và sơ tán được nhiều báu vật.

Nhà thờ Đức Bà Paris bị lửa bao trùm chiều tối 15/4.  Đám cháy khiến tháp nhọn và một phần mái vòm nhà thờ đổ sụp, song cấu trúc của nhà thờ được "cứu và bảo tồn tổng thể".


Đám cháy nhìn từ vườn hoa, bên hông phải nhà thờ. (Ảnh: Parisien).

Tuy nhiên, nhiều người dân Paris đặt câu hỏi rằng tại sao cảnh sát cứu hỏa Pháp không nhanh chóng triển khai các thang và vòi rồng lớn để không chế đám cháy từ bên ngoài, mà lại tỏ ra "loay hoay" với ngọn lửa từ dưới mặt đất.

Giải đáp thắc mắc này, cục An ninh dân sự Pháp khẳng định nếu dùng các vòi rồng lớn hoặc máy bay, như Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, để thả một lượng lớn nước xuống đám cháy, nhà thờ Đức Bà sẽ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

"Việc trút một lượng lớn nước ở độ cao thấp có thể làm suy yếu cấu trúc khung của nhà thờ và gây thiệt hại cho cả những công trình và nhà dân trong khu vực đó", cơ quan Pháp tuyên bố.

Giới chuyên gia cũng cho biết trái với lính cứu hỏa Mỹ, lính cứu hỏa Pháp thường xuyên tiến hành dập lửa từ bên trong. Chiến thuật này nguy hiểm hơn cho những người lính nhưng lại hiệu quả hơn để cứu công trình và sơ tán các vật quý bên trong.

"Nếu chỉ tập trung bên ngoài, chúng ta có nguy cơ đẩy ngọn lửa, khí nóng lên tới 800 độ vào phía trong khiến thiệt hại càng lớn hơn", chuyên gia Serge Delhaye nói.


Những cấu trúc bị lửa thiêu rụi tại nhà thờ Đức Bà.

Giới chức Pháp lúc đó cũng nhận định nguy cơ toàn bộ nhà thờ Đức Bà Paris sụp đổ là không quá cao, do đó tính mạng lính cứu hỏa không bị đe dọa nghiêm trọng nếu tiến vào bên trong. "Không chỉ huy nào ra lệnh cho cấp dưới phải mạo hiểm tính mạng để cứu một công trình, kể cả đó là nhà thờ Đức Bà. Ưu tiên của chúng tôi là cứu người và không có ai bị đe dọa tính mạng", một lính cứu hỏa Pháp cho biết.

Theo VnExpress