Vòng cổ bí ẩn chứa răng cá mập megalodon trên tàu Titanic

Chiếc vòng cổ làm từ răng của loài thủy quái cổ đại được phát hiện trong dự án scan xác tàu Titanic của công ty Magellan.


Công ty thám hiểm sẽ giữ nguyên hiện trạng của chiếc vòng. (Ảnh: Magellan).

Chưa từng có ai trông thấy chiếc vòng cổ từ vụ đắm tàu Titanic, tàu chở khách hạng sang được cho là tân tiến nhất thời đại, cách đây 111 năm. Tàu Titanic chìm sau khi va chạm với núi băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương, cách Halifax, Nova Scotia khoảng 595 km về phía đông nam, vào ngày 15/4/1912. Con tàu đang ở ngày thứ 4 của hành trình đầu tiên từ Southampton, Anh, tới New York, Mỹ. Thảm họa dẫn tới cái chết của hơn 1.500 người, chiếm hơn 2/3 thủy thủ đoàn và hành khách trên tàu lúc đó.

Chiếc vòng cổ đặc biệt được phát hiện bởi Magellan, công ty ở Guernsey, gần vùng ven biển Pháp. Công ty này chuyên thám hiểm dưới nước và lập bản đồ đáy biển. Nằm trong dự án scan dưới nước, Magellan chụp 700.000 ảnh xác tàu Titanic bằng hai tàu ngầm. Sử dụng số ảnh này, công ty tạo ra bản scan kỹ thuật số kích thước thật đầu tiên của Titanic, cung cấp cách nhìn mới về xác tàu. Trong số ảnh chụp được, nhóm nghiên cứu của Magellan phát hiện chiếc vòng cổ chứa vàng và răng cá mập megalodon, theo giám đốc điều hành Richard Parkinson.

Megalodon là loài cá mập khổng lồ tuyệt chủng cách đây khoảng 3,6 triệu năm. Là loài cá mập lớn nhất từng sinh sống, bộ xương megalodon cổ nhất có niên đại hơn 20 triệu năm. Con megalodon lớn nhất có thể dài 15 – 18 m, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại London. So với nó, con cá mập trắng lớn nhất dài khoảng 6 m. Răng cá mập megalodon có thể dài tới gần 18 cm, dù hóa thạch thường nằm trong khoảng 8 – 13 cm.

Magellan không lấy chiếc vòng cổ chứa răng cá mập megalodon ra khỏi xác tàu do thỏa thuận giữa Mỹ và Anh. Hiện nay, Magellan đang tìm cách xác định ai là chủ nhân của chiếc vòng cổ với sự hỗ trợ của . Công ty đang sử dụng AI để phân tích thước phim về hành khách lên tàu năm 1912, kiểm tra quần áo họ mặc đồng thời triển khai kỹ thuật nhận dạng.

Bản scan tàu Titanic của Magellan có thể giúp tạo ra mô hình 3D thực tế hoặc bản song sinh kỹ thuật số của xác tàu với độ phân giải lớn chưa từng thấy. Do vị trí hẻo lánh của xác tàu ở độ sâu khoảng 3.810 m, việc quan sát đầy đủ khu vực rất khó khăn. Mô hình mới sẽ cho phép mọi người phóng to và nhìn kỹ toàn bộ xác tàu lần đầu tiên.

VnExpress