Bí ẩn vật thể ma quái mỗi kính thiên văn thấy một "chân dung" khác

Vật thể ma quái ban đầu xuất hiện dưới dạng một đốm sáng qua quan sát của một số kính viễn vọng mặt đất. Các nhà khoa học đã huy động kính viễn vọng không gian cực mạnh Hubble để cố nhìn nó rõ hơn, nhưng không thấy đâu!

Mới đây, vật thể kỳ bí bất ngờ xuất hiện trở lại dưới "mắt thần" của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb, dưới hình ảnh một thiên hà mờ nhạt và hết sức lạ lùng.


Vật thể ma quái được xác định là một thiên hà hình thành sao đầy bụi cổ đại - (Ảnh: NASA/ESA/CSA).

Nhóm 50 nhà nghiên cứu từ nhiều đơn vị học thuật, dẫn đầu bởi dự án COSMOS-web do PGS Catilin Casey từ Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) chủ trì, đã xem xét kỹ lưỡng vật thể ma quái đó trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal.

Họ xác định nó là một thiên hà hình thành sao đầy bụi từ vũ trụ sơ khai, được đặt tên là AzTECC71.

Trích dẫn nghiên cứu, chuyên san khoa học PHYS cho biết một thiên hà hình thành sao đầy bụi rất khó quan sát. Lý do, phần lớn ánh sáng từ các ngôi sao của nó đã bị hấp thụ bởi lớp bụi, sau đó phát xạ lại ở bước sóng đỏ hơn.

Chúng có biệt danh là "các thiên hà tối Hubble", bởi kính viễn vọng không gian thuộc loại tối tân nhất thời kỳ trước này cũng khó quan sát chúng.

Camera hồng ngoại gần (NIRCam) của James Webb đã khắc phục được điều này và quan sát được thiên hà ma quái trong ánh sáng đỏ mờ nhạt.

Đây là một phát hiện "vàng ròng" bởi AzTECC71 là loại thiên hà cực kỳ hiếm trong vũ trụ sơ khai.

Theo các nhà nghiên cứu, nó đang bận rộn hình thành sao dưới lớp vỏ bụi khó xuyên thấu, trong vùng không gian cổ xưa gần 1 tỉ năm sau vụ nổ Big Bang.

Chính nhờ ánh sáng cũng mất hàng tỉ năm để đi qua khoảng cách hàng tỉ năm ánh sáng giữa những vật thể cổ đại với Trái đất, những kính viễn vọng tối tân như James Webb giúp chúng ta có cái nhìn "xuyên không" về vũ trụ sơ khai.

Một số dữ liệu chưa rõ ràng mà dự án COSMO-Web thu thập được cho thấy AzTECC71 có thể có bạn nằm gần, tạo thành một cụm 3 thiên hà.

Tiến sĩ Jed MicKinney từ Trường Đại học Texas ở Austin, thành viên nhóm nghiên cứu, bình luận: "Thứ này thực sự là một con quái vật. Mặc dù nó chỉ trông như đốm đỏ, nó đang thực sự hình thành hàng trăm ngôi sao mới mỗi năm".

Phát hiện này cũng cho thấy James Webb đủ sức mạnh để quan sát những thứ cực đoan nhất nếu các nhà khoa học biết cách vận dụng.

Ngoài ra, cách mà AzTECC71 được xác định cũng mở đường cho phương thức khám phá một quần thể thiên hà có thể rất đông đúc còn đang ẩn nấp ở nơi cổ xưa nhất của vũ trụ.

NLĐ