Cơ hội cho người yêu thiên văn quan sát mưa sao băng Draconid trên bầu trời

Mưa sao băng Draconid kéo dài trong 2 ngày, từ 8/10 đến 9/10. Tuy nhiên, việc có thể quan sát thấy chúng trên bầu trời hay không lại cần đến yếu tố may mắn.

Bắt đầu từ tối 8/10, người yêu thiên văn ở Việt Nam có cơ hội quan sát được mưa sao băng Draconid trong giai đoạn đạt đỉnh nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.


Tối nay, người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát mưa sao băng Draconid nếu thời tiết thuận lợi. (Ảnh: Getty).

Mưa sao băng Draconid được tạo ra khi Trái đất đi vào vùng bụi do sao chổi 21P/Giacobini-Zinner để lại sau khi nó bay ngang qua Hệ Mặt trời của chúng ta. Vùng bụi này bốc cháy khi rơi xuống bầu khí quyển Trái đất, tạo ra những vệt sáng mà chúng ta gọi là mưa sao băng.

Theo Space, khoảng thời gian cực đại của trận mưa sao băng Draconid kéo dài trong 2 ngày, từ 8/10 đến 9/10. Tuy nhiên, việc có thể quan sát thấy chúng trên bầu trời hay không lại cần đến yếu tố may mắn.

Được biết vào năm nay, điều kiện quan sát dành cho mưa sao băng là tương đối thuận lợi, do độ sáng của Mặt trăng chỉ thấp hơn dưới 20%, tạo ra bầu trời đêm đủ tối để người yêu thiên văn quan sát các hiện tượng kỳ thú.

Tại Việt Nam, mưa sao băng Draconid có thể được quan sát khi nhìn về hướng Bắc. Nơi xuất hiện của hiện tượng này nằm ở giữa 2 chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn) và Ursa Minor (Gấu Nhỏ).

Hiện tượng này có thể được quan sát tại bất cứ nơi nào, miễn là nơi quan sát không có mây và góc nhìn về phía Bắc không bị cản trở. Bạn cũng không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ gì để quan sát hiện tượng này.

Mưa sao băng Draconid từng xuất hiện nhiều lần trong quá khứ, nhưng lại khá mờ nhạt trong những năm gần đây. Những năm sao băng có tần suất hoạt động cao nhất là vào 1933 và 1946. Năm 2011, một số nơi trên thế giới cũng quan sát thấy mưa sao băng Draconid.

Dân Trí