Lịch sử bỏng ngô: Từ món hàng cấm đến cứu tinh của rạp chiếu phim

Nếu muốn cứu các rạp phim sau dịch Covid-19, có lẽ bạn nên mua thêm bỏng ngô chứ không phải những tấm vé.

Đối với những người đam mê điện ảnh, việc mua bỏng ngô (Popcorn) vào rạp chiếu phim chẳng có gì lạ. Thế nhưng ít ai biết rằng bỏng ngô từng bị cấm đem vào rạp chiếu phim và nó đã phải trải qua nhiều thăng trầm trước khi trở thành vị cứu tinh của các rạp phim ngày nay.

Ra đời trước công nguyên

Các bằng chứng lịch sử cho thấy cây ngô vốn xuất hiện sớm nhất tại vùng đất nay là Mexico cách đây 10.000 năm. Ngay từ những năm 3600 trước công nguyên, người dân vùng Mexico ngày nay và các thổ dân vùng Nam Mỹ đã biết đến bỏng ngô.

Bằng cách rang những hạt ngô khiến chúng nổ ra do nước và tinh bột bị nén trong hạt được giải phóng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, bỏng ngô thời xưa thường được coi là món ăn giải trí. Những bằng chứng khảo cổ cho thấy khoảng 3.600 năm trước, các thổ dân Mỹ đã cho ngô nổ trong ấm đất sét có lỗ nhỏ trên nắp.


Những chiếc xe làm bỏng ngô đã tạo ra một cuộc cách mạng đồ ăn vặt.

Từ hàng cấm đến vị cứu tinh

Trước khi cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930 diễn ra, bỏng ngô là mặt hàng bị cấm gắt gao nhất tại các rạp phim hay rạp hát. Trên thực tế trước khi bộ phim đầu tiên được chiếu vào năm 1896, rạp hát là nơi giải trí chính của tầng lớp thượng lưu.

Bởi bối cảnh biểu diễn cần sự tập trung của khán giả cũng như văn hóa thượng lưu thời đó, việc ăn vặt những thứ như bỏng ngô được cho là bất lịch sự. Thậm chí những đồ ăn vặt khác cũng không được mang vào khi xem trình diễn.

Vào tháng 4/1896, bộ phim đầu tiên được trình chiếu rộng rãi trước công chúng ở thành phố New York sử dụng thiết bị từ nhà phát minh Thomas Edison. Năm 1902, rạp chiếu phim có chạy điện đầu tiên được xây dựng và đây cũng là rạp phim đầu tiên chỉ chiếu phim chứ không lẫn các chương trình biểu diễn khác.

Tại thời điểm này, tất cả các bộ phim đều không có tiếng và chúng đòi hỏi những người có kiến thức, trình độ đọc được các dòng chữ phiên dịch hoặc hiểu được nội dung truyền tải. Việc đến rạp phim thời này chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc có tri thức và đương nhiên là phải cấm bỏng ngô hay những đồ ăn vặt gây mất tập trung.


Khoảng 50% số bỏng ngô tiêu thụ tại Mỹ đến từ các rạp phim.

Thậm chí khi truyền hình phát triển vào thập niên 1950, ngành bỏng ngô tiếp tục bùng nổ 500% so với trước đây do các hộ gia đình mua đồ ăn vặt về nhà xem tivi nhiều hơn.

Dẫu vậy, khoảng 50% số bỏng ngô tiêu thụ tại Mỹ đến từ các rạp phim và mô hình kinh doanh này tồn tại cho đến tận ngày nay. Suy cho cùng, rạp phim có thể hưởng 100% doanh số từ bán bỏng ngô lẫn đồ uống nhưng họ lại chỉ có thể nhận khoảng 40% doanh số bán vé do phải chia với nhà sản xuất, phân phối phim.

Ngày nay, lợi nhuận từ bỏng ngô là nguồn thu chính giúp các rạp phim duy trì hoạt động, bao gồm chi phí đèn đóm, điều hòa, nhân công… Bởi vậy nếu bạn là người mê phim ảnh và muốn các rạp phim vẫn hoạt động được thì không phải vé xem phim mà chính bỏng ngô là thứ nên mua.

Theo Tổ Quốc