Những bệnh nhân tự kiểm soát HIV - ẩn số của giới y học

Dù không được điều trị bằng thuốc hay ghép tủy xương, những người này vẫn sống khỏe mạnh, tải lượng virus trong cơ thể thấp. Họ được gọi là "bệnh nhân ưu tú".

Cách đây gần 4 thập kỷ, HIV/AIDS xuất hiện và trở thành dịch bệnh đáng sợ, bí ẩn với các y sĩ Mỹ. Căn bệnh phá hủy hoàn toàn hệ thống miễn dịch của người trẻ tuổi, khỏe mạnh, khiến họ trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương.

Trước đây, nguồn gốc của virus HIV trở thành câu hỏi khó, thách thức với y học thế giới. Cho đến ngày nay, một số trường hợp nhiễm HIV vẫn là ẩn số với thế giới, bởi các nhà khoa học tìm kiếm câu trả lời cho những hiện tượng hiếm gặp này.

Những “bệnh nhân ưu tú”

Tháng 8, các nhà khoa học Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên trên thế giới nhiễm HIV tự khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc hay cấy ghép tủy xương để điều trị. Bệnh nhân là Loreen Willenberg, 66 tuổi, ở California, Mỹ. Người phụ nữ này nhiễm virus HIV vào năm 1992.

Trường hợp này được báo cáo trên tạp chí Nature ngày 26/8. Theo New York Times, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tế bào máu của bệnh nhân theo phương pháp “chưa từng có”. Sau khi phân tích 1,5 tỷ tế bào, họ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của virus HIV.

Trong cơ thể của bà Loreen, HIV dường như bị cô lập, khóa chặt trong phần gene đặc biệt và khiến chúng không thể sinh sản, gây bệnh. Phát hiện này cho thấy người bệnh có thể đã đạt được “phương pháp chữa trị chức năng” (functional cure). Điều đó có nghĩa là bệnh nhân tự hồi phục.

Nữ bệnh nhân là một trong số 64 người khác mà nhóm tác giả trên xếp vào thế hệ “những bệnh nhân ưu tú”. Họ đều có bộ gene HIV phong phú, nguyên vẹn, còn được gọi là các gene dự phòng, tích hợp trong tế bào.


Rod Fichter phát hiện nhiễm virus HIV vào năm 1986. Tuy nhiên, ông có thể tự kiểm soát bệnh mà không cần dùng thuốc. Trường hợp này được giới thiệu trong phim tài liệu Countdown to Zero của HBO VICE. (Ảnh: HBO VICE).

Manh mối

Một số bệnh nhân trong dự án nghiên cứu của Levy đã sống chung với HIV trong 27 năm mà không cần điều trị. Trong đó, một bệnh nhân lây nhiễm HIV vào năm 1978. Thời điểm này, Sở Y tế Công cộng San Francisco bắt đầu nghiên cứu về viêm gan B trên 6.704 mẫu máu của những người đồng tính nam. Kết quả, họ phát hiện một trong số những người này mắc HIV nhưng tiến triển bệnh chậm. Hàng chục người khác sống khỏe mạnh trên 20 năm mà không cần điều trị.

Năm 1986, giáo sư Levy phát hiện ra ở những người này, các tế bào bạch cầu có tên CD8 tiết ra lượng nhỏ yếu tố kháng virus. Nó giúp ngăn chặn quá trình virus HIV nhân lên trong tế bào. Tuy nhiên, CD8 không thể tiêu diệt HIV. Nhà nghiên cứu Stephen Migueles, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cũng phát hiện điều tương tự và ông gọi đó là “manh mối quan trọng”.

Tại Đại học California, San Francisco (UCSF), một nhóm các nhà nghiên cứu khác điều tra vai trò của cơ chế kích hoạt miễn dịch và hiện tượng viêm trong sự tiến triển của HIV. Nhóm tác giả đặt giả thuyết dựa trên quan sát thấy khỉ mangabeys bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch simian (SIV) - mầm bệnh được cho là tổ tiên của HIV - có tải lượng virus cao nhưng khả năng hoạt hóa miễn dịch thấp.

Chúng không tiến triển thành bệnh và sống bình thường, khỏe mạnh tương tự động vật không nhiễm SIV. Nhà nghiên cứu Peter Hunt của UCSF giải thích bệnh nhân HIV tiến triển giai đoạn cuối do sự suy giảm nghiêm trọng của tế bào T CD4 và chuyển dần sang AIDS. Nhưng ở các “bệnh nhân ưu tú”, 60% tế bào T CD8 của họ được kích hoạt. “Điều này rất bất thường. Bởi ở người khỏe mạnh, chỉ 10% tế bào T CD8 được kích hoạt”.

Dù đặt ra nhiều giả thuyết, các nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở bước phát hiện từng trường hợp. Cho đến nay, các “bệnh nhân ưu tú” vẫn là ẩn số với y học và thế giới.

Theo Zing